Liên quan đến sự việc Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa thông báo cho hoàn tục, trở về gia thất đối với đại đức Thích Phước Ngọc (tức Phạm Văn Cung), trụ trì chùa Phước Quang, kiêm giám đốc cô nhi viện Suối nguồn tình thương (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã có những trao đổi với báo chí.
Bởi vậy, ngoài việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật, cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh làm rõ các giao dịch vay mượn, nhận tiền nêu trên có dấu hiệu tội phạm hay không để xử lý theo quy định pháp luật.
Vị luật sư cho biết, theo quy định của pháp luật, vay mượn tiền là một loại quan hệ dân sự, là hợp đồng vay tài sản sau đó bên chủ sở hữu tài sản chuyển giao tài sản cho bên vay sử dụng trong một khoảng thời gian, hết thời hạn thỏa thuận, bên vay tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản và có thể phải trả lãi.
Hợp đồng vay tài sản có thể có thế chấp hoặc tín chấp. Nếu bên vay tiền vi phạm thỏa thuận như sử dụng tài sản không đúng mục đích, chậm trả nợ thì bên cho vay có thể khởi kiện để đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự..
Tuy nhiên, nếu hợp đồng vay tài sản xảy ra tranh chấp và cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, có căn cứ cho thấy bên vay tiền đã đưa ra thông tin gian dối, sử dụng thủ đoạn gian dối để người có tiền đưa tiền cho mình nhưng không có ý định trả lại số tiền đó, với mục đích chiếm đoạt tài sản, hành vi này cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên.
Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy ông Phạm Văn Cung đã sử dụng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng, người này có thể sẽ phải đối mặt với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 và hình phạt có thể từ 12 năm đến 20 năm hoặc phạt tù chung thân.
Còn trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được thủ đoạn gian dối trước thời điểm ông Cung nhận tiền nhưng sau khi nhận tiền ông này thực hiện một trong các hành vi sau đây: gian dối nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ; sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản; bỏ trốn nhắm chiếm đoạt số tiền vay hoặc có điều kiện trả lại tiền nhưng cố tình không trả...
Nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên, ông này có thê sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự và hình phạt cao nhất có thể đối mặt là tù chung thân.
Công an đã mời người bị hại lên làm việc
Trước đó, ngày 22/9, Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã chính thức ra thông báo việc Đại đức Thích Phước Ngọc (thể danh Phạm Văn Cung, sinh 1982, trú tỉnh Vĩnh Long) bị cho hoàn tục, do ông Cung bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ hàng chục tỷ đồng…
Phản ánh trực tiếp với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn (thường trú quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, ông Phạm Văn Cung đã lừa đảo, dùng thủ đoạn nhờ ông Sơn vay nợ dùm gần 5 tỷ đồng; sau đó né tránh, không trả nợ.
Ngoài ông Sơn, còn có 4 nạn nhân khác cũng đứng đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Cung, với tổng số tiền mà ông Cung lừa đảo chiếm đoạt của các nạn nhân là khoảng 34,5 tỷ đồng.
Bà B.T.N (thường trú Hà Nội) tố cáo với Công an tỉnh Vĩnh Long: "Ông Cung lợi dụng sự tội nghiệp của các em nhỏ để đánh vào lòng thương hại của chúng tôi để chiếm đoạt tài sản".
Theo bà N., chỉ quen biết ông Cung từ Lễ Phật đản năm 2017, nhưng bà N. đã bị ông Cung dụ dỗ lấy từ bà N. tổng cộng khoảng 30 tỷ đồng. Trong đó, có việc ông Cung nói đang nợ nần tiền xây dựng chùa Phước Quang, xây dựng Cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương, nên vay bà N. hơn 22 tỷ đồng.
Bà T.T.A.H (Việt kiều Đức) đau khổ bộc bạch: "Tôi biết ông Cung từ năm 2015. Ông Cung mời tôi về thăm Cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương, tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Tôi thấy những đứa trẻ mồ côi quá tội nghiệp. Thấy vậy, ông Cung nhiều lần điện thoại cho tôi than khóc, nói cần được giúp đỡ tiền bạc để lo cho mấy đứa trẻ".
Bà H. đã vay mượn tiền bạc trị giá khoảng 7 tỷ đồng Việt Nam, gửi về cho ông Cung mượn. Trong đó, rất nhiều lần ông Cung điện thoại cho bà H. than khóc, cầu mong giúp cho vay tiền. Bà H. cầm lòng không đặng, cầm cố cả cửa hàng kinh doanh của bà H. ở Đức, gửi về cho ông Cung vay 50.000 Euro. Có bận, bà H.bán cả nữ trang, rồi gửi tiền về cho ông Cung vay…
Vì chuyển tiền bất hợp pháp về cho ông Cung vay, mà em gái bà H. đã bị chính quyền Đức phạt hành chính gần 10.000 Euro, không cho nhập quốc tịch… Đến nay, với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng, bà H. chấp nhận tặng 1 tỷ đồng cho Cô nhi viện, còn lại 6 tỷ đồng, bà H. yêu cầu ông Cung hoàn trả, nhưng ông Cung tránh né, không hoàn trả.
Được biết, ngày 23/9, Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông báo chính thức cho Đại đức Thích Phước Ngọc (tức Phạm Văn Cung) hoàn tục, về gia thất và xóa tên trong danh sách Tăng Ni ở tỉnh Vĩnh Long.
Ngay sau thông báo trên, vào sáng ngày 24/9, Công an tỉnh Vĩnh Long đã chính thức vào cuộc điều tra, xác minh các đơn tố cáo của các nạn nhân bị ông Cung dụ dỗ lấy tiền… Công an tỉnh Vĩnh Long đã có buổi làm việc với nạn nhân đầu tiên là ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn, nhằm thu thập các chứng cứ, giấy tờ, hóa đơn, thủ tục chuyển tiền qua tài khoản cho ông Cung…
Hồi giữa tháng 7, sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, để có thông tin khách quan, đa chiều, PV Dân Việt đã nhiều lần gọi điện cho ông Phạm Văn Cung nhưng ông này không nghe máy.
Tiếp tục nhắn tin thì PV bị ông này chặn số, chúng tôi lấy số khác để liên lạc với ông Cung nhưng dù điện thoại đổ chuông nhưng PV vẫn không nhận được hồi âm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét